Vào một ngày tháng 9, mình tới Đà Nẵng, gặp người chị thương quý a.k.a của là mentor của mình, và được tặng quyển sách nhỏ xíu “Tiếng Tình Yêu Trong Lòng.” Mình đã đọc xong và mình cảm thấy đây là “quyển sách dành cho mình”, dành cho những thắc mắc, chật vật của tuổi 24, cũng là dành cho hành trình tiếp theo của tuổi 25. Sub-title (tiêu đề nhỏ tiếng Anh) của quyển sách là “The Inner Voice of Love: A Journey through Anguish to Freedom.” (tạm dịch: Tiếng Tình Yêu Trong Lòng: Hành trình từ Đau Khổ đến Tự Do.) Một quyển sách vỏn vẹn hơn 140 trang mà khiến người viết chật vật suốt một hành trình dài. Ông viết như cách là để ở với nỗi đau, khóc với nỗi đau, và đau nỗi đau của chính mình. Chính người đọc, mình nghĩ mình cũng không thể đọc nhanh, mà phải đọc thật chậm, để nghiền ngẫm, để hiểu, và để đồng cảm.
Quyển sách là những trang viết với góc nhìn một người tin Chúa, nhưng đối diện với thực tại của đời sống, giữa những hư không, giữa những nỗi đau của chính mình. Thông điệp lớn nhất mình nhận được trong lần đọc đầu tiên là con người luôn khát khao cảm giác “nhà”: trở về nhà, là nhà, thuộc về nhà. Nhưng hành trình trở về nhà là hành trình đầy gian nan, nhưng cũng là hành trình của tự do, tìm mình, và nhận biết mình là ai trước Thiên Chúa. Ta sống trong một thế giới con người luôn sống với những áp lực, kì vọng từ người khác, nhưng có một con đường, có một tiếng gọi rằng: “Thiên Chúa đang xin bạn đẹp đi tất cả những cái chống đỡ bạn tự làm ra cho mình và tin rằng Thiên Chúa luôn đủ cho bạn”, rằng “Thiên Chúa yêu thương tôi, và chỉ mình tình yêu của Thiên Chúa là đủ” , và thật vậy, “Chỉ khi biết thường xuyên quay về với tiếng nói trong lòng, bạn mới có thể trở về với một cuộc sống tự do và an vui mới.”
“Chỉ khi biết thường xuyên quay về với tiếng nói trong lòng, bạn mới có thể trở về với một cuộc sống tự do và an vui mới.”
Thông điệp tiếp theo là về những nỗi đau. Nỗi đau là “kinh nghiệm về việc không nhận được những gì bạn cần nhất. Đó là một chỗ trống vắng, chỗ bạn cảm thấy cách rõ ràng sự thiếu vắng tình yêu bạn mong muốn nhất.” Chúng ta thường có hai phản ứng trước nỗi đau, một là trốn chạy nỗi đau, hai là quá bi luỵ trong nỗi đau. Mình cũng từng ở đâu đó trong hai thái cực, nhưng nỗi đau là một trải nghiệm rất cá nhân, và nỗi đau luôn muốn nói với chúng ta điều gì đó, về chính chỗ sâu thẳm trong tấm lòng, và nỗi đau dạy ta những bài học quan trọng nhất. Vậy nên cách thức đối diện với nỗi đau “con-người-nhất” là ở với nỗi đau của chính mình, khóc cho những nỗi đau của chính mình “Bạn phải khóc những cơn đau đã mất để chúng có thể dần dần từ biệt bạn và bạn có thể trở thành tự do để sống trọn vẹn trong nơi ở mới mà không buồn chán hoặc nhớ nhung.” Nỗi đau cá nhân, đặc biệt của mỗi người cũng là dự phần của nỗi đau chung của nhân loại. Bài học từ nỗi đau cá nhân, là ta nhận biết nhân loại, con người đau khổ, và nhận biết từng có một “Thống Khổ Nhân” chịu chết cho nỗi đau của nhân loại, để bước ra khỏi nỗi đau, ta nhận biết cái mong manh của nhân loại, ta thương xót, đồng cảm hơn với những người khác đang đau khổ, và sống nhờ cậy hơn mỗi ngày “Lạy Chúa, xin thương xót con.”
Quyển sách này mình nghĩ mình sẽ đọc đi đọc lại, chậm rãi, nhiều lần, mong mỗi lần đọc lại, trái tim mình tự do hơn, bình yên hơn, về gần nhà hơn.
Bellevue, tháng 10, ngày 19, 2024.