Đặc biệt là khi bạn phải đối diện với những gánh nặng hằng ngày, chịu đựng lâu dài khi sống chung với những vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Trong Thư tín II Cô-rinh-tô 1:8, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ đã có lúc ông chịu đựng quá nhiều đau khổ, “đến nỗi không còn hy vọng sống.” Đây là một sự bày tỏ đáng lưu tâm – không phải là một lời tuyên bố mà bạn trông chờ từ một trong những sứ đồ của Đấng Christ.
Nhưng việc mất hy vọng sống là một tình cảnh phổ biến đến ngạc nhiên trong Kinh Thánh. Tiên tri Ê-li đã cầu xin Đức Chúa Trời cất đi mạng sống của ông (1 Các Vua 19:4). Gióp đã ai oán khi ông chẳng thể “từ lòng mẹ đi thẳng đến mộ phần” (Gióp 10:19). Người truyền đạo (Truyền đạo 4:2-3) và tiên tri Giê-rê-mi (Giê-rê-mi 15:10) tương tự cũng ước rằng mình chưa từng được sinh ra.
Bất kể lí do gì cho những đau khổ, là sự bắt bớ đức tin, mất mát cá nhân, tội ác lan tràn trong xứ, hay là gánh nặng khi là tiên tri của Chúa, thì việc mất đi hy vọng sống chẳng phải là một trải nghiệm bất thường.
Chúng ta cũng chứng kiến những điều tương tự, theo CDC (Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tỉ lệ tự tử ở nam giới từ 15-24 tuổi tăng 8% trong năm 2021, và theo tổ chức phi lợi nhuận Sức khoẻ Tâm thần Mỹ (Mental Health America), hơn 20% người trưởng thành đang phải chịu đựng một bệnh về tâm thần.
Có một vài cách giải thích cho tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần ngày càng tăng- nhưng đối với những người đang chịu đựng, có một câu hỏi cấp bách hơn nhiều: Tại sao tôi phải thức dậy, bước ra khỏi giường rồi chỉ để tiếp tục chịu đựng những khổ sở tinh thần như vậy?
Dù có vẻ không lành mạnh khi đặt một câu hỏi như vậy, nhưng chúng ta cần phải có câu trả lời.
Cuộc sống luôn có đầy niềm vui và đẹp đẽ, nhưng có lúc này hoặc lúc khác, mỗi chúng ta sẽ đối diện với những thử thách về mặt tinh thần. Và cũng có một vài người trong chúng ta, thử thách sẽ mang lấy hình dạng một bệnh tâm thần được chẩn đoán. Đối với những người khác, thử thách sẽ mang hình dạng của những thách thức trong cuộc sống. Chúng ta lại khiến cho người khác đau khổ khi chỉ công nhận những đau khổ về mặt tinh thần khi chúng có một chẩn đoán chính thức.
Nhưng những đau khổ như vậy thường đến bất cứ lúc nào trong cuộc đời chúng ta, kể cả khi chúng ta là con Đức Chúa Trời, như Kinh Thánh đã bày tỏ cho chúng ta. Cơ Đốc nhân không hề miễn nhiễm. Và nó có thể đến mức khiến chúng ta tuyệt vọng về chính cuộc sống. Khi ngày ấy đến, chúng ta sẽ cần một câu trả lời. Chúng ta sẽ cần biết tại sao việc ra khỏi giường để đối mặt với một ngày mới lại đáng giá. Một vài người trong chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi ấy theo một cách khác, mỗi ngày.
Thật biết ơn vì chúng ta đang sống ở thời kì mà những định kiến về các bệnh tâm thần đã được đang kể, nhưng tôi vẫn nghĩ nhiều người trong chúng ta vẫn còn phải chịu đựng một mình. Có thể được xã hội chấp nhận khi chia sẻ tình trạng sức khoẻ tâm thần lên mạng xã hội, nhưng những trải nghiệm rất chân thực cũng việc chịu đựng vẫn còn được giấu kín. Đó luôn là sự chịu đựng của bạn, trong tấm lòng và tâm trí.
Và tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta giấu kín nỗi đau của mình, không muốn gây rắc rối cho thế giới với những vấn đề của mình. Ngay cả khi bạn nhận được sự giúp đỡ từ chuyên gia sức khỏe tâm thần (mà tôi rất khuyến khích), thì những người ấy không thể đưa ra lựa chọn ra khỏi giường cho bạn. Họ có thể cung cấp cho bạn các công cụ và thuốc men để hỗ trợ, nhưng cuối cùng thì bạn và Chúa luôn là người lựa chọn.
Vậy, tại sao bạn cần phải ra khỏi giường?
Ngay cả khi bạn cảm thấy như một gánh nặng, cuộc sống của bạn là một món quà từ Thượng Đế—một món quà mà Ngài đã tạo ra và duy trì từng giây phút trong tình yêu thương vô hạn. Sự tốt lành của món quà này không phụ thuộc vào cách chúng ta cảm nhận hay những gì chúng ta trải nghiệm. Nhưng thách thức của chúng ta là sống thể hiện món quà đó mỗi ngày, ngay cả khi đang đau khổ về tinh thần.
Thức dậy khỏi giường để đối mặt với một ngày mới và chịu gánh nặng hằng ngày của việc sống chung với bệnh tâm thần hoặc đối mặt với sự đau khổ tột cùng của những rắc rối trong cuộc sống là một hành động thờ phượng. Nó tuyên bố sự tốt đẹp của cuộc sống bất chấp sự sa ngã. Đó là một hành động thuộc linh dâng thân thể bạn làm của lễ sống làm vui lòng Chúa (Rô-ma 12:1).
Đôi khi tâm trí của bạn và thế gian sẽ nói dối bạn. Nó sẽ nhấn mạnh vào sự vô nghĩa của cuộc sống. Nó sẽ khăng khăng bảo rằng không có niềm vui, bình an hay hy vọng. Và trong những lúc như vậy, chúng ta có thể kêu lên giống như Ê-li: “Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi” (1 Các Vua 19:4). Nhưng thay vì trừng phạt Ê-li vì sự yếu đuối hoặc thiếu hy vọng của ông, Chúa đã sai một thiên sứ đến nuôi Ê-li trong hoang mạc.
Đó là Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng: một Đức Chúa Trời dọn bàn trong hoang mạc cho những ai cảm thấy tuyệt vọng. Và đôi khi bạn thấy mình ở nơi bàn ấy.
Nhưng khi bạn quyết định ra khỏi giường mỗi ngày, bạn cũng dọn bàn cho người lân cận của mình. Bạn tuyên bố với chính mình và hành động rằng bản thân cuộc sống là tốt đẹp. Dù muốn hay không, đời sống của bạn là một chứng nhân, làm chứng cho sự tốt lành của Đức Chúa Trời. Vì vậy, khi chấp nhận sự tồn tại của mình, chúng ta lớn tiếng làm chứng cho những người xung quanh mình rằng: “Hãy dậy và ăn” (1 Các Vua 19:7).
Vẫn còn hy vọng. Đức Chúa Trời- Ngài chưa và Ngài sẽ không—bỏ rơi chúng ta.
Đối với nhiều người trong chúng ta, đôi khi việc ra khỏi giường sẽ đòi hỏi một nỗ lực phi thường. Nhưng chính trong những khoảnh khắc này là lúc lời chứng của chúng ta sâu sắc nhất. Chúng ta mang lấy gánh nặng đau khổ về tinh thần, bởi vì chúng ta biết rằng tâm điểm của sự tồn tại của chúng ta không phải là sự tuyệt vọng và đau khổ mà là ân sủng—ân sủng từ chính Chúa.
Chúng ta hành động dựa trên ân sủng đó ngay cả khi trái tim của chúng ta chỉ cảm thấy vô vọng. Và khi những người lân cận của chúng ta thấy chúng ta vươn lên khẳng định sự tốt đẹp giản đơn của cuộc sống, họ được nhắc nhở rằng cuộc sống của họ cũng tốt đẹp.
Thật không may, một số người trong chúng ta sẽ trải qua những giai đoạn đau khổ đến mức không thể ra khỏi giường. Trong những lúc đó, chúng ta phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác để nâng đỡ ta.
Một trong những hành động thể hiện lòng thương xót thiêng liêng nhất mà chúng ta có thể làm là sẵn sàng nâng đỡ nhau khi mất hết hy vọng. Điều này có thể thấy bằng một tin nhắn khích lệ hoặc ngồi với ai đó đang tuyệt vọng—hoặc thậm chí là một cái ôm.
Và ân sủng mà bạn nhận được khi một trong những người lân cận nâng đỡ bạn, một ngày nào đó sẽ được biến thành ân sủng mà bạn dành cho những người khác khi họ cũng cần được nâng đỡ.
Nhận biết rằng tất cả chúng ta sẽ đau khổ về tinh thần vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời không làm giảm đi vẻ đẹp của cuộc sống. Chính trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, chúng ta có thể làm chứng một cách mạnh mẽ nhất cho vẻ đẹp của cuộc sống bằng cách bước ra khỏi giường.
Một ngày nào đó sự đau khổ sẽ qua đi—có thể hôm nay, có thể ngày mai, nhưng chắc chắn là nó sẽ qua đi khi ở cõi đời đời với Thượng Đế. Nhưng bây giờ, nhiệm vụ của chúng ta là sống với sự thật rằng sự hiện hữu của chúng ta đã và đang là một hành động yêu thương từ một Đức Chúa Trời đầy ân sủng.
Tác giả: O. Alan Noble là Phó giáo sư ngành tiếng Anh tại Đại học Baptist Oklahoma và là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm Bước Ra Khỏi Giường: Gánh Nặng và Món Quà của Cuộc Sống (On Getting Out of Bed: The Burden and Gift of Living.)
Nguồn: Noble, O. A. (2023, May 2). Getting out of bed is an act of worship. ChristianityToday.com. https://www.christianitytoday.com/ct/2023/may-web-only/alan-noble-mental-health-getting-out-of-bed-act-of-worship.html.
Dịch vào ngày 31 tháng 5 năm 2023, nhân tháng 5- Tháng Nâng Cao Nhận Thức về Sức Khoẻ Tâm Thần.