“Thinh lặng là một phương cách để chờ đợi, quan sát và lắng nghe những điều đang xảy ra bên trong lẫn xung quanh ta. Thinh lặng là phương cách của nội tâm, để dừng lại và khám phá những chất chứa bên trong tấm lòng cũng như những trọng tâm đời sống. Thinh lặng là cách thức bước sâu vào trong, để rồi cuối cùng, chúng ta không thể bước ra mà chẳng mang theo gì. Thinh lặng chưa bao giờ là sự chấm dứt của ngôn từ; một khái niệm quá hạn hẹp lẫn quá tiêu cực về định nghĩa của thinh lặng. Đúng hơn, thinh lặng là dấu lặng của những điều liên hệ với nhau – để thực sự làm sáng tỏ mọi thứ ngôn từ, lời nói thành tiếng hay cả ngôn từ không lời. Thinh lặng là chất keo kết nối giữa thái độ và hành động của ta. Thinh lặng là sự đầy trọn, không phải trống rỗng. Thinh lặng không phải là sự vắng mặt, mà là ý thức có được sự hiện diện.
-John Chryssavgis, Trong Lòng Sa Mạc, tr.45-46.
Bước 1: Lắng đọng (Lời bên ngoài)
- Tìm một vị trí thuận tiện trong nhà, nơi bạn có thể ngồi xuống thoải mái một lúc.
- Hít một hơi thật sâu để lắng xuống một chút. Nếu muốn, bạn có thể nhắm mắt lại.
- Khi làm điều này, hãy chú ý đến những gì bạn đang nghe. Lắng nghe những âm thanh xung quanh bạn. Chúng có thể là âm thanh của trẻ con khi chơi đùa, tiếng vợ chồng tại nơi làm việc, tiếng chim hót líu lo, tiếng tủ lạnh râm ran hoặc là tiếng ồn từ máy sấy tóc.
Bước 2: Bước vào (Lời bên trong)
- Hãy chú ý đến những gì đang xảy ra trong bạn. Đây chính là những tiếng nói từ trong tâm trí và trong tấm lòng của bạn.
- Chẳng hạn, chúng có thể được kích hoạt bởi một âm thanh từ bên ngoài, tiếng trẻ con nhấp chuột trên bàn phím, có thể nhắc nhở bạn về công việc bạn vẫn chưa hoàn thành.
- Hoặc chúng có thể được kích hoạt bởi một ý nghĩ bên trong, từ một ký ức nào đó dẫn đến cảm xúc hối tiếc, sợ hãi hay một vài cấp độ lo lắng.
- Hãy nhận diện chúng. Đừng cố gắng loại chúng ra khỏi tâm trí và tấm lòng của bạn. Nhận thức về sự hiện diện của chúng và trao phó cho Chúa trong lời cầu nguyện. Nếu muốn, bạn có thể cầu nguyện như sau:
“Chúa ơi, con đến với Ngài bằng chính con người thật của con. Con xin trình dâng lên Chúa những tiếng nói này. Xin Ngài làm yên dịu chúng như chính Chúa Jesus đã từng làm dịu yên cơn bão.”
Bước 3: Về nguồn (Quay về với Thánh Kinh)
- Quay về với lời Chúa sau khi bạn đã nhận biết những tiếng nói này.
- Để lời Chúa phán với chính bạn khi bạn đọc thật chậm rãi.
- Chúng ta chọn Thi Thiên 62 cho chủ đề: “Yên nghỉ nơi Chúa: Rèn tập sự thinh lặng”
Đọc Thi Thiên 62:1-2 theo bản dịch Truyền Thống một cách chậm rãi:
1 Linh hồn tôi nghỉ an nơi một mình Đức Chúa Trời;
Sự cứu rỗi tôi từ Ngài mà đến.
2 Một mình Ngài là hòn đá tôi, sự cứu rỗi tôi,
Và là nơi ẩn náu cao của tôi; tôi sẽ chẳng bị rúng động nhiều.
Đọc hai câu Kinh Thánh này một lần nữa cách chậm rãi, theo bản dịch Truyền Thống Hiệu Đính:
1 Linh hồn con an nghỉ nơi một mình Đức Chúa Trời;
Sự cứu rỗi của con từ Ngài mà đến.
2 Một mình Ngài là vầng đá và sự cứu rỗi của con;
Cũng là nơi ẩn náu của con; con sẽ không hề bị rúng động.
- Hai bản dịch Kinh Thánh của Thi Thiên 62:1-2 giúp chúng ta trân quý việc yên nghỉ nơi Chúa dù trong lúc chờ đợi yên lặng trước Chúa hay cả khi yên lặng chờ đợi để Ngài giải cứu chúng ta.
- Tác giả Thi Thiên dường như đang ở trong chỗ yếu đuối (c.3) mặc dù trước đây có thể ông đã từng ở vị trí quyền lực (c.4). Những câu Kinh Thánh này có thể giúp bạn phản hồi về thực trạng hiện tại của mình.
- Dành vài phút để đọc toàn bộ Thi Thiên này trong bất kỳ bản dịch nào mà bạn chọn. Tạm dừng ở những điểm mà bạn thấy đặc biệt như Chúa đang phán với mình và nói với Ngài suy nghĩ, cảm xúc của bạn.
Bước 4: Tái hòa nhập (Trở lại cuộc sống với lời cầu xin sự hiện diện của Chúa)
- Sau khi bạn đã dành đủ thời gian đắm chìm trong lời Chúa và trò chuyện với Ngài, hãy kết thúc thì giờ ngắn ngủi này bằng cách yên nghỉ trong những điều mà Chúa đã ban cho bạn. Đó có thể là một từ nhắc nhở bạn về lời hứa của Chúa, một chủ đề đảm bảo cho bạn về sự hiện diện của Ngài, hoặc một dạng nguồn lực khác mà Chúa đã ban cho bạn.
- Viết nó xuống nhật ký hoặc vào một nơi quan trọng nào đó để bạn dễ xem lại trong ngày.
- Dành vài phút cuối cùng trong yên lặng.
- Sau đó dần dần trở lại các hoạt động của) ngày với năng lực mà Chúa đã đặt để trong lòng bạn. Bạn có thể kết thúc thời gian suy niệm) trong thinh lặng bằng lời cầu nguyện sau đây:
“Chúa ơi, con sẽ tin cậy Ngài và chờ đợi câu trả lời từ Ngài.”
Khi bạn tiếp tục hoạt động của mình, nguyện xin sự hiện diện của Chúa đồng hành cùng bạn.
Chú thích:
(*): Tu phụ sa mạc là những tín hữu của Hội Thánh đầu tiên thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng cách ra sa mạc của Ai Cập để sống, cầu nguyện, và suy gẫm về Lời Chúa.
Nguồn: https://ttc.edu.sg/english/spiritual-resource/resting-in-god-the-practice-of-silence/
Translator: Tú Anh
Editor: Chị Thái An